Vì sao trần nhà bị mốc dù mới xây
Không chỉ trần thạch cao mà tường bên hông nhà cũng bị mốc đen. Bên thi công nói đã quét chống thấm nên lỗi này là độ ẩm trong nhà quá cao. Tôi nên xử lý thế nào?
Độc giả: Lê Hòa
Kiến trúc sư Trương Thành Trung (Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và nội thất T&T) nhận định, từ hình ảnh độc giả gửi đến có thể thấy, bề mặt mốc của tường và trần thạch cao đều nhau, không tập trung ở khu vực nào nhất định. Lỗi này nhiều khả năng là do chọn sơn kém chất lượng hoặc thi công không đúng quy trình.
Tường hông nhà và trần thạch cao bị mốc đen, chỉ sau khi xây một năm. Ảnh: Lê Hòa
Ông Trung nhận định, có thể gia chủ sử dụng sơn trong nhà không có lớp lót kháng kiềm - loại sơn màu trắng làm lớp nền trước khi thi công lớp sơn màu tiếp theo. Sơn lót chống kiềm có tác dụng chính chống nấm mốc, rêu cho bức tường.
Nguyên nhân nữa là bề mặt tường trần chưa khô, nhưng thợ vẫn sơn thi công. Khả năng khác là sử dụng sơn nội thất kém chất lượng.
Để xử lý vấn đề hiện tại của ngôi nhà, độc giả nên làm theo các bước sau.
Thứ nhất, nâng khả năng chống thấm từ tường phía ngoài bằng cách quét thêm hai lớp sơn chống thấm hoặc dùng Sikalatic-590 lăn lại bề mặt tường, sau đó sơn hoàn thiện. Hóa chất chống thấm sika được dùng nhiều nhất hiện nay từ hộ gia đình cho đến các tòa nhà lớn. Đây là phương pháp quét trực tiếp hoá chất lên bề mặt sàn để tạo thành một lớp bảo vệ giúp ngăn chặn nước thấm qua mặt sàn.
Thứ hai, cần đánh bằng giấy giáp bề mặt toàn bộ lớp tường đã sơn trong nhà, kể cả trần thạch cao, sau đó để chúng "thở" trong 2-3 ngày. Tiếp đó là lăn sơn hai lớp lót kháng kiềm.
*Lưu ý: Nếu có bả thì nên bả thật mỏng và đánh giấy giáp tường trước khi sơn.
Thứ ba, dùng sơn hoàn thiện chính hãng. Nếu có điều kiện kinh tế bạn có thể sử dụng loại sơn "5 trong 1", có khả năng chống và chùi rửa nấm mốc.
Thứ tư, khi thi công bạn nên chọn những ngày thời tiết nắng ráo để sơn tường, như vậy mới đạt được hiệu quả tốt nhất.
Ngoài ra bạn có thể xử lý tồn tại trên bằng cách pha dung dịch theo tỷ lệ 1 lít javen với 5 lít nước (1:5) để có thể lau chùi toàn bộ bề mặt. Tuy nhiên, cách này chỉ có thể xử lý được với hiện tượng mới xuất hiện nấm mốc. Nếu như để hiện tượng này quá lâu, nấm mốc đã ăn sâu vào bề mặt tường và trần thạch cao sẽ rất khó xử lý.
Để tránh trong nhà độ ẩm quá cao, khi thời tiết nồm ẩm, tốt nhất bạn nên đóng hết các cửa sổ và mở điều hòa ở chế độ hút ẩm. Nếu điều hòa không có chế độ này, nên mở cửa để hơi nước không bám được vào bề mặt nội thất. Ngoài ra, bạn có thể bật đèn chiếu sáng liên tục, giúp giảm độ ẩm trong nhà. (Theo: vnexpress)
View: 329