Nghịch lý "đòi" biệt thự từ nguyên Chủ tịch Hà Nội rồi bỏ hoang suốt 8 năm

Nghịch lý đeo bám biệt thự rộng 410m2 trên "đất vàng" do nguyên Chủ tịch Hà Nội trả lại cho thành phố. Hà Nội đang bỏ hoang biệt thự suốt 8 năm qua vì lý do "chờ chính sách".

Nghịch lý đi "đòi" rồi bỏ hoang vì chờ chính sách

Biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa có diện tích 410m2, tọa lạc ở khu "đất vàng" trên địa bàn phường Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Vào đầu năm 2002, ông Hoàng Văn Nghiên (khi đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội) chuyển về biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa thuê ở.

Nghịch lý đòi biệt thự từ nguyên Chủ tịch Hà Nội rồi bỏ hoang suốt 8 năm - 1

Sau khi được nguyên Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên trả lại, biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa bị bỏ hoang hơn 8 năm vì đang "chờ" nghị định của Chính phủ (Ảnh: Nguyễn Dũng).

Năm 2004, ông Nghiên về hưu và tiếp tục được thuê biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa. Đến năm 2012 (8 năm sau khi về hưu), ông Nghiên vẫn chưa trả lại nhà cho thành phố dù ở thời điểm này, ông đã có biệt thự ở Khu đô thị Ciputra (Hà Nội). Điều này khiến cử tri vô cùng thắc mắc, băn khoăn.

Mãi cho đến năm 2014, căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa mới chính thức được nguyên Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên trả lại cho thành phố. Để có được kết quả này, UBND TP đã phải rất vất vả đi "đòi".

Vậy nhưng, nghịch lý vẫn chưa thôi "đeo bám" căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa này.

Theo đó, năm 2017, chứng kiến thực trạng căn biệt thự trên "đất vàng" bị bỏ hoang, xuống cấp theo năm tháng, cử tri quận Hoàn Kiếm đề nghị thành phố kiểm tra, có phương án sử dụng, tránh lãng phí.

Trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội vào năm 2017, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, các ngành chức năng của thành phố đang nghiên cứu để đưa ra biện pháp giải quyết hiệu quả nhất. Và việc "nghiên cứu" của Hà Nội đã kéo dài hơn 5 năm nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa… ngã ngũ.

Mới đây, khi cử tri tiếp tục kiến nghị thì Hà Nội lý giải rằng, do Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các địa phương góp ý vào dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng nhà chuyên dùng nên hiện chưa đưa ra phương án xử lý biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa để chờ quy định mới.

Trong quá trình tiếp tục "chờ chính sách", căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa đang trở thành nơi chứa rác bất đắc dĩ giữa nội đô Hà Nội.

"Vì chờ chính sách mà bỏ hoang biệt thự 8 năm là ngụy biện"

Nghịch lý đòi biệt thự từ nguyên Chủ tịch Hà Nội rồi bỏ hoang suốt 8 năm - 2

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (Ảnh: Quốc Chính).

Nêu quan điểm về việc này, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Hà Nội nại lý do đang chờ quy định mới nên bỏ hoang biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa là thiếu thuyết phục, là ngụy biện.

Bởi lẽ, theo đại biểu Lê Thanh Vân, biệt thự này là tài sản công và Luật Quản lý, sử dụng tài sản đã ra đời từ lâu. Trong khi đó, Hà Nội đang quản lý rất nhiều biệt thự.

"Nếu thời điểm xây dựng dự thảo nghị định trùng với thời điểm Hà Nội "đòi" lại được biệt thự này thì lý do "chờ quy định mới" sẽ thuyết phục. Trong khi đó, bị bỏ hoang 8 năm rồi nại lý do chờ quy định mới là ngụy biện, tự biện. Tại sao trước đây thành phố không áp dụng ngay các quy định pháp luật đã có?" - ông Vân phân tích.

Trước ý kiến cho rằng, việc bỏ hoang biệt thự nằm trên "đất vàng" là quá lãng phí tài sản công, đại biểu Lê Thanh Vân bày tỏ sự đồng tình và cho rằng, trách nhiệm để xảy ra thực trạng này thuộc về Sở Tài Chính Hà Nội.

Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật, Sở Tài Chính là cơ quan tham mưu, giúp việc cho UBND TP Hà Nội. Trước thực trạng nêu trên, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho cán bộ đi kiểm tra, rà soát lại việc quản lý các biệt thự thuộc thẩm quyền của UBND TP để tránh câu chuyện tương tự đang diễn ra.

"Kiểm tra, rà soát xong thì thành phố nên có giải pháp. Kể cả trong lúc chờ quy định mới thì Hà Nội nên áp dụng quy định cũ để quản lý, sử dụng tài sản công cho hiệu quả" - ông Vân nêu quan điểm thêm.

View: 225

Cơ hội nghề nghiệp Cùng chúng tôi kiến tạo tương lai

SUCO chú trọng đến chính sách đãi ngộ, quan tâm đến đời sống của cán bộ nhân viên với phương châm tạo cho cán bộ nhân viên có một cuộc sống “đầy đủ về vật chất và phong phú về tinh thần”

Ứng tuyển ngay
scrolltop