Kỷ niệm 68 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022): ‘Một thời đạn bom, một thời hòa bình’

Đã 68 năm kể từ ngày “trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về”, dù đi qua không ít khó khăn, mỗi thành quả to lớn mà Hà Nội đạt được hôm nay chính là hình ảnh sống động của một Thủ đô anh hùng, bất khuất trong chiến tranh, phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ phát triển hiện đại.

16 giờ 30 phút ngày 9-10-1954, những lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, quân dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố Hà Nội. Sáng 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn Quân Tiên Phong-Sư đoàn 308 chia làm nhiều cánh lớn mở cuộc hành quân tiến vào Hà Nội trong rừng cờ hoa của 20 vạn người dân hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng trở về sau 9 năm trường kỳ kháng chiến. Từ đây, Thủ đô sạch bóng quân thù. Hà Nội bước sang một trang mới trong lịch sử hào hùng của dân tộc.

“Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn vào Thủ đô ta”

Còn nhớ, ngay trong những ngày đầu tiên trở về Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

-1513-1665324124.jpg

6h sáng 9/10/1954, bộ đội theo nhiều đường từ ngoại thành tiến vào nội thành, chia làm nhiều cánh quân tiến vào 5 cửa ô chính rồi từ đó tỏa đi các nơi. Lần lượt bộ đội tiếp quản nhà ga, phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, phủ Thống sứ.

Nghe theo lời Bác dạy, trong 10 năm (1954-1964), Hà Nội tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển với tinh thần tự lực cánh sinh, lao động cần cù, sáng tạo. Ở vùng ngoại thành, nông dân được chia ruộng đất, phấn khởi sản xuất và tham gia vào các tổ đổi công và HTX. Công thương nghiệp tư bản tư doanh được cải tạo một cách hòa bình bằng hình thức công tư hợp doanh.

Các khu công nghiệp mới ra đời, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp mới mọc lên. Nhiều công trình thủy lợi, nông trường, trại chăn nuôi được xây dựng. Mạng lưới giao thông được mở mang phát triển. Nhiều trường đại học lớn ra đời. Một số bệnh viện cũ được cải tạo, nâng cấp và xây dựng nhiều bệnh viện mới. Đến năm 1965, Hà Nội đã trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền Bắc. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục phát triển vượt bậc. Đời sống nhân dân được cải thiện.

Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, bắt đầu từ năm 1986, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế – xã hội, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đã đạt được thành tựu nổi bật.

Đặc biệt, Hà Nội từ sau khi mở rộng địa giới hành chính (từ năm 2008 đến nay), kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Giai đoạn 2008-2014 bình quân đạt 9,23%/năm. Trong đó, dịch vụ tăng 9,8%; công nghiệp-xây dựng tăng 9,26%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%.

Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, nông thôn tiến bộ rõ rệt. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là các công trình giao thông trọng điểm được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Đã hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm, cơ bản bảo đảm chất lượng và tiến độ.

Tầm vóc Thủ đô văn minh, hiện đại

Từ một quy mô diện tích và dân số nhỏ bé (152,2km² với 43,7 vạn người), Hà Nội hôm nay mang tầm vóc của một đô thị lớn với diện tích 3.342,92km²; dân số gần 10 triệu người với 30 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn.

-5991-1665324124.jpg

Sau 68 năm được giải phóng, Thủ đô đã khoác lên mình một diện mạo mới, một bộ mặt mới trên tất cả các lĩnh vực.

Trong suốt chặng đường đổi mới đến nay, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, ngày càng khẳng định vai trò trung tâm lớn về kinh tế của cả nước. Như những con số thống kê cho thấy, mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng, cả nước.

Diện mạo của Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang. Nhiều công trình, dự án kinh tế - xã hội quy mô lớn, hiện đại đã được hoàn thành làm cho TP hiện đại hơn. Hà Nội luôn giữ vai trò dẫn đầu trong sự nghiệp văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ. Hà Nội cũng ở tốp đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới với 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn, 368/382 xã hoàn thành xây dựng NTM, 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Sau 68 năm được giải phóng, Thủ đô đã khoác lên mình một diện mạo mới, một bộ mặt mới trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế Hà Nội phát triển nhanh và khá toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo xu thế hiện đại hóa, có cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp hình thành rõ rệt. Thành phố đã đẩy nhanh tiến độ sắp xếp cổ phần hóa bền vững các doanh nghiệp nhà nước, quan tâm đầu tư đối với các doanh nghiệp làm ăn lớn có hiệu quả; thực hiện giao, bán, khoán, cho thuê, sáp nhập và giải thể các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả; tăng cường đổi mới doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở đổi mới công nghệ, thiết bị và mô hình quản lý. Các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn đã góp phần cung ứng hầu hết các sản phẩm thiết yếu phục vụ cho nhu cầu của nhân dân thủ đô và các vùng phụ cận, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới; tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển.

Cùng với sự phát triển, đổi mới, sắp xếp nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước, thành phố Hà Nội còn chú trọng tăng cường quản lý và sử dụng các tài sản công và hành chính công. Đẩy mạnh kiểm kê, kiểm soát việc xây dựng, công khai và thực hiện các quy hoạch, công trình giao và sử dụng đất đai.

Đặc biệt, sau giai đoạn Covid-19, kinh tế Hà nội đang phục hồi tích cực và phát triển tốt. Triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, từ đầu năm 2022, Hà Nội thống nhất tinh thần "khó khăn gấp hai thì phải nỗ lực, cố gắng gấp ba" để tập trung thực hiện 24 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội, dự toán thu, chi ngân sách và các trọng tâm chỉ đạo, điều hành với quyết tâm cao nhất hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển năm 2022.

Tám tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 992,3 triệu USD. Kinh tế Hà Nội trong tháng 8 và 8 tháng năm 2022 tiếp đà phục hồi rõ nét, nhiều ngành/lĩnh vực và hoạt động kinh tế ngày càng sôi động trở lại.

Hà Nội đặt ra mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 từ 7 - 7,5%; GRDP/người năm 2022 từ 139-141 triệu đồng; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2022 tăng 10%; kim ngạch xuất khẩu năm 2022 tăng 5%...

Thực hiện lời dạy của Bác 68 năm trước, nhìn lại quá trình phát triển của Thủ đô Hà Nội từ mốc son rực rỡ ngày 10/10/1954, càng thấy rõ điểm tựa để Hà Nội phát triển như hôm nay chính là tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, sáng tạo không bao giờ lùi bước trước khó khăn của các thế hệ cán bộ, Nhân dân Hà Nội. Mạch nguồn sức mạnh ấy luôn là động lực để vươn lên mạnh mẽ, ngày càng đổi mới để “Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh” như Bác Hồ hằng mong muốn. ( Theo: vnbusiness )

View: 152

Cơ hội nghề nghiệp Cùng chúng tôi kiến tạo tương lai

SUCO chú trọng đến chính sách đãi ngộ, quan tâm đến đời sống của cán bộ nhân viên với phương châm tạo cho cán bộ nhân viên có một cuộc sống “đầy đủ về vật chất và phong phú về tinh thần”

Ứng tuyển ngay
scrolltop